Bệnh trĩ là gì?
Trĩ thường được miêu tả là những đám rối tĩnh mạch của hậu môn trực tràng giãn ra, những búi trĩ này sẽ to dần lên do máu tĩnh mạch bị ứ đọng.
Tuỳ thuộc vào vị trí của búi trĩ người ta chia làm 2 loại: trĩ ngoại và trĩ nội.
- Trĩ ngoại (nằm bên ngoài hậu môn) phát triển ngay gần rìa hậu môn và được phủ bởi lớp da rất nhạy cảm của vùng rìa hậu môn. Chúng thường không đau. Tuy nhiên nếu hình thành cục máu đông (trĩ tắc mạch) nó sẽ rất đau và tạo thành khối cứng chắc. Trĩ ngoại cũng có thể chảy máu nếu nó bị vỡ ra.
- Trĩ nội (nằm phía trong hậu môn) thường không đau, chảy máu, thòi trĩ ra ngoài khi đại tiện là những triệu chứng thường xuất hiện. Tuy nhiên nó có thể rất đau nếu búi trĩ nội bị sa ra ngoài hoàn toàn, từ phía trong hậu môn thòi ra ngoài lỗ hậu môn và không thể ấn lại được vào trong (búi trĩ bị nghẹt).

Trĩ nội được chia làm 4 độ:
- Độ I: trĩ không sa ra ngoài
- Độ II: trĩ sa ra ngoài và tự tụt vào trong hậu môn sau khi đại tiện
- Độ III: trĩ sa ra ngoài và phải dùng tay để đẩy lại vào trong
- Độ IV: trĩ sa ra ngoài và không thể đẩy lại vào trong
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh hiện nay chưa được xác định rõ và thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, làm cản trở máu tĩnh mạch trở về và do đó máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ. Búi trĩ này sẽ to dần lên và thòi ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn.
Các yếu tố thuận lợi bao gồm:
- Tuổi
- Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy
- Thời kỳ mang thai
- Di truyền
- Đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều
- Chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn
- Ngồi đại tiện quá lâu trong nhà vệ sinh (đọc sách báo …)
